Thứ Tư, 16 tháng 7, 2014

THỨ Năm Tuần 15 : Mt 11,28-30

THỨ NĂM TUẦN 15 : Mt 11,28-30



Trang Tin Mừng hôm nay là một lời mời gọi tha thiết của Chúa Giêsu : “hãy đến cùng tôi”. Trong đó, đối tượng của lời mời gọi này là những người “đang vất vả và mang gánh nặng nề”.
Trong phạm vi cụ thể, những người “vất vả và mang gánh nặng nề” này là những người sống vào thời của Chúa Giêsu, những người phải mang trên vai những gánh nặng của những nguyên tắc, của luật lệ với hơn 600 điều luật chi li của phái Pharisêu bó buộc.
Còn trong phạm vi rộng và bao quát, thì những người “vất vả và mang gánh nặng nề” là những người đang mang trong mình những gánh nặng gia đình, gánh nặng nghề nghiệp, gánh nặng tuổi tác, hay những gánh nặng buồn đau của quá khứ, gánh nặng lo âu cho tương lai.
Tất cả đều được Chúa Giêsu mời gọi: “hãy đến với tôi”, “hãy mang lấy ách của tôi” và  “hãy học cùng tôi”. Ngài mời gọi mỗi người chúng ta đi theo làm học trò và sống theo cung cách sống của Ngài.
Theo ngôn ngữ Thánh Kinh, “gánh” thường dùng để chỉ luật lệ, còn “mang lấy ách” là chỉ về hành động “học với”. Thế nên, nơi trường học của Thầy Giêsu, người theo học được mời gọi sống rập khuôn theo cung cách sống hiền lành và khiêm nhường của Ngài. Đây là một lối sống bất bạo động, tràn đầy tình thương, tình liên đới và tha thứ giữa mọi người trong một bầu khí yêu thương của một gia đình. Chỉ khi nào người theo học đã hãnh hội đầy đủ cung cách sống này, thì tâm hồn và cuộc sống của người ấy trong gia đình và ngoài xã hội sẽ được an vui và hạnh phúc.
Thiết nghĩ, tình yêu sẽ làm cho ách và gánh của Chúa Giêsu trở nên êm nhẹ. Chắc hẳn, chúng ta sẽ cảm thấy nặng nề khi bị áp lực phải giữ các luật lệ bên ngoài, nhưng lại dễ làm theo sự thúc đẩy của một tình yêu bên trong. Điều này chúng ta có thể cảm nhận được nơi kinh nghiệm của các bậc làm cha mẹ. Dù cuộc sống có cực khổ đến đâu đi chăng nữa, thì những khổ cực ấy cũng trở nên nhẹ nhàng khi người cha người mẹ chứng kiến những người con thơ bé ngày nào đã trở nên những con người tài đức giúp ích cho người và cho đời.
Do đó, bằng trọn niềm xác tín vào tình yêu của Chúa Giêsu, Đấng đã từ trời cao hạ cố xuống trần gian để trao ban bình an và sự sống của Thiên Chúa cho nhân loại, sẽ nâng đỡ và giúp mỗi người chúng ta luôn tin rằng : Chúa Giêsu luôn cùng đi với ta, cùng vác gánh nặng với ta trên hành trình cuộc đời của mỗi người. 

Xin Chúa giúp cho mỗi người chúng ta luôn kiên sẵn sàng đến với Chúa, mang lấy ách của Chúa và học cùng Chúa cung cách sống hiền lành và khiêm nhường, chúng ta không những được Chúa cho nghỉ ngơi bồi dưỡng, mà qua cuộc sống của chúng ta, mọi người có thể nhận thấy Nước Trời đang tỏ hiện.

Posted By Unknown20:57

Thứ 4 Thường Niên A, Tuần 15 - Sự Khiêm Tốn

        Thứ 4 Thường Niên A, Tuần 15 - Sự Khiêm Tốn
       
          Một người tự tin vào bản thân và khả năng của mình là điều quan trọng làm nên thành công trong cuộc sống. Tuy nhiên, khi người ta quá tự tin vào chính mình mà coi thường lời khuyên của người khác, không cần ai giúp đỡ thì sự tự tin đó trở thành tính kiêu ngạo. Một thiên tài sẽ làm nên chuyện lớn nếu biết khiêm tốn trong lời nói, hành động và suy nghĩ. Có thể nói, tính tự cao tự đại là nguồn gốc của tất cả mọi sai lầm và khổ sở.
          Khi Chúa Giêsu nói rằng: vì Cha đã giấu không cho những người hiền triết và khôn ngoan biết những điều ấy, Ngài không có ý đả kích các nhà hiền triết, khôn ngoan và Ngài cũng không coi thường việc tìm hiểu, khám phá thế giới, mà Chúa Giêsu nhắm tới cái tính kiêu ngạo, tự cao tự đại trong lòng mọi người. Thông thường, những nhà hiền triết và khôn ngoan chẳng dám nhận mình là người khôn ngoan lỗi lạc. Nếu có là do người đời gọi họ như thế. Càng hiểu biết nhiều về vũ trụ, cuộc sống con người, người ta càng thấy mình nhỏ bé, để rồi biết quỳ gối trước quyền năng của Thượng Đế. Cho nên mới có câu danh ngôn: Tri thức làm người ta khiêm tốn. Ngu si làm người ta kiêu ngạo. Những người tự nhận mình là khôn ngoan, thông thái thì đích thật đó là người kiêu ngạo, là người chẳng hiểu biết gì nhiều. Thế nên, Thiên Chúa sẽ giấu không cho những người kiêu ngạo biết mầu nhiệm nước trời bởi vì họ không bao giời “quỳ gối” trước Thượng Đế vì những điều kỳ diệu mà họ khám phá được trong vũ trụ này.

          Về mặt xã hội, đức tính khiêm tốn làm cho mình được người khác yêu mến, dễ gần và là yếu tố quan trọng để thành công trong cuộc sống. Walter Scott  tiểu thuyết gia lỗi lạc của Scotland  đã đề cao sự khiêm tôn như sau: Một cái đầu tỉnh táo, một trái tim trung thực và một linh hồn khiêm nhường, đó là ba người dẫn đường tốt nhất qua thời gian và cõi vĩnh hằng. Về đời sống tôn giáo, sự khiêm tốn là cánh cửa mở ra, dẫn người ta đi vào mầu nhiệm sâu thẳm của Thiên Chúa. Lịch sử của dân Do Thái và của Giáo Hội luôn cho thấy rằng: Thiên Chúa luôn đến với những con người khiêm tốn bé nhỏ để làm cho họ trở nên vĩ đại. Họ vĩ đại, bởi vì thuộc về Thiên Chúa là Chúa trời đất. Họ vĩ đại bởi vì những hiểu biết của họ là những hiểu biết về Thiên Chúa đem lại cho họ sự sống vĩnh hằng.

Posted By Unknown20:52

THỨ BA TUẦN 15


THỨ BA TUẦN 15 : Mt 11,20-24
Nhớ Thánh Bônaventura - Giám mục, tiến sĩ Hội thánh

Hôm nay, Giáo hội mừng kính thánh Bônaventura - Giám mục, tiến sĩ Hội thánh. Với khoảng thời gian 16 năm tận tụy với nhiệm vụ Bề trên Tổng quyền Dòng Phanxicô, thánh nhân được nhìn nhận như là một người kế vị xứng đáng của thánh tổ Phanxicô. Vì thế, ngài được nhìn đến như vị sáng lập thứ hai của dòng.
Ngoài ra, ngài còn được Giáo hội nhìn nhận như một vị thánh mẫu mực có đức khôn ngoan phi thường. Đối với ngài, việc hiểu biết về Thiên Chúa sẽ làm cho con người yêu mến Thiên Chúa và yêu mến Giáo hội nhiều hơn. Ước mong qua gương sống của thánh nhân, chúng ta cũng biết hết lòng sống gắn bó với Chúa và Giáo hội của Người bằng tất cả tấm lòng yêu mến chân thành.
Với ước nguyện đó, chúng ta cùng thành tâm sám hối tội lỗi, để xứng đáng và sốt sắng cử hành thánh lể chiều nay.


Có thể nói, toàn bộ sứ vụ loan báo Tin mừng của Chúa Giêsu, từ việc rao giảng đến việc thực hiện các phép lạ đều hướng đến mục tiêu : kêu gọi con người sám hối - hoán cải đời sống và tin vào Ngài, để đón nhận ơn cứu độ. Thế nhưng, trang Tin mừng hôm nay cho thấy một thực tế đáng buồn, đó là sự dửng dưng và quay lưng lại với sứ điệp Tin mừng cứ độ của những người Dothái tại Khô-ra-din, Bét-sai-đa và Ca-phác-na-um.
Trong đó, Chúa Giê-su so sánh hai thành của người Dothái là Khô-ra-din và Bét-sai-đa với hai thành dân ngoại là Tia và Si-đon. Qua sự so sánh này, Chúa Giêsu không chủ ý mô tả sự kiện thực tế về tình trạng tội lỗi của dân các thành này cho bằng, Ngài chỉ cho thấy thái độ chai lì, dửng dưng và từ khước từ của họ trước sứ điệp Tin mừng cứu độ mà Chúa Giêsu loan báo. Đây là một thái độ nguy hiểm đến sự sống còn, đến tương lại của con người. Bởi vì, sự từ chối đón nhận Tin mừng cứu độ mà Chúa Giêsu loan báo đồng nghĩa với việc chối bỏ chính tình yêu của Thiên Chúa và loại Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời của mình.
Thiết nghĩ, thái độ chối bỏ chính tình yêu của Thiên Chúa và loại Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời của của người Dothái khi xưa không chỉ xảy ra vào thời Chúa Giêsu, mà đây còn là tội lớn nhất của con người thời nay.
Chắc hẳn chúng ta còn nhớ, đã có một thời người ta tưởng rằng : “Thiên Chúa đã chết” ; đã có một lần khi bay ra ngoài vũ trụ, có người nói rằng : “tôi chẳng thấy Thiên Chúa đâu cả!” ; và cũng có một thời người nghĩ rằng : tiến bộ khoa học sẽ là “nấm mồ chôn vùi Thiên Chúa”. Họ tự tin trong thế giới thực nghiệm và chỉ tin vào những gì mà họ có thể chứng minh được. Đây quả thực là những suy nghĩ và là những chọn lựa sai lầm.
Bởi vì, Thiên Chúa mới là nền tảng cho mọi vấn đề và Lời Chúa mới là chất liệu cần thiết để con người có thể khám phá, xây dựng và phát minh ra những phương tiện cần thiết giúp con người sống đúng với phẩm giá làm người của mình. Một nhà nghiên cứu khoa học chân chính sẽ nhận ra quyền năng của Thiên Chúa ngay trong công trình khảo cứu của mình. Nhà bác học Newton đã nhìn nhận : “Tôi thấy Thiên Chúa đi qua ống kính viễn vọng của tôi!”

Nhờ lời chuyển cầu của thánh Bônaventura, nguyện xin Chúa ban mỗi người chúng ta luôn biết trân trọng những ân huệ Chúa ban qua : biết bao con người hiện diện trong cuộc đời ta ; biết bao lời mời gọi đã được vang lên trong lòng ta, biết bao hành động diệu kỳ đã diễn ra chung quanh ta và cho ta ; nhờ đó, chúng ta biết bén nhạy và  nỗ lực sử dụng những phương tiện, hoàn cảnh và tình trạng thuận tiện Chúa ban, để thánh hóa bản thân và nhờ đó cũng thánh hóa cả tha nhân.

Posted By Unknown20:48

Chủ Nhật, 13 tháng 7, 2014

Người Gieo Giống

Bạn thân mến! Trên đây là dụ ngôn “Người gieo giống” và cũng là nội dung bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay. Khi nghe qua dụ ngôn này, có lẽ chúng ta đều có chung một suy nghĩ: “Anh nông dân này khờ quá. Gieo bốn hạt, mà chỉ có một hạt rơi vào đất tốt. Một cách làm ăn không hiệu quả, chỉ thua lỗ mà thôi . Phải chi anh ta cẩn thận hơn, chỉ gieo hạt trên mảnh đất màu mỡ, đã được chuẩn bị hẳn hoi, cất đi 3 hạt còn lại, thì chắc sẽ thu hoạch được nhiều hơn. Nhưng không, anh ta cứ vung vãi hạt giống khắp nơi: từ lề đường, đến đất sỏi đá và cả bụi gai nữa. Anh gieo như không tiếc hạt giống vậy!”
Qua dụ ngôn “Người gieo giống”, Thiên Chúa muốn tỏ bày cho chúng ta thấy lòng quảng đại và hy vọng của Ngài đối với con người chúng ta. Ngài là một Ðấng hào phóng, quảng đại và không tính toán hơn thiệt khi ban phát. Ngài không ngần ngại gieo hạt giống “Lời Chúa”  “Ân Sủng” vào lòng mỗi người chúng ta. Hạt giống ấy là Đức Giêsu Kitô, là Ngôi Lời, là Con yêu dấu của Ngài.
Qua dụ ngôn “Người gieo giống”, Thiên Chúa đã gieo hạt giống Lời Chúa đến khắp mọi nơi và vào tâm hồn của mọi người. Có hạt bị chim trời ăn mất, khi chưa kịp nảy mầm phát triển. Có hạt bị khô cháy khi chưa bám rễ. Có hạt đã mọc thành cây, nhưng bị gai làm chết ngạt. Nhưng may thay, có những hạt rơi vào đất tốt và đem lại kết quả gấp bội. Lời Chúa vẫn còn gặp được mảnh đất phì nhiêu, còn gặp những tâm hồn đầy khao khát và hy vọng
Qua dụ ngôn “Người gieo giống”, Thiên Chúa mời gọi ta hãy lắng nghe Ðức Giê-su chỉ dạy, hãy tin tưởng và đón nhận Ngài như mảnh đất tốt đón nhận hạt giống tốt. Hạt giống tốt rơi vào đất tốt sẽ phát sinh thành cây tốt, sẽ mang lại tràn đầy hoa trái trong mùa thu hoạch
Dụ ngôn “Người gieo giống” giúp ta phải tự hỏi lòng mình: Có bao nhiêu hạt giống “Lời Chúa” đã được gieo vào lòng tôi? Số phận của những hạt giống ấy giờ này ra sao? Hạt giống ấy đang nằm ở đâu trong cuộc đời của tôi ? Tôi đã đón nhận những hạt giống ấy như thế nào? Tôi đã làm gì để hạt giống ấy được phát triển và lớn lên ?

Posted By Unknown19:04

Thứ 2 tuần 15 thường niên A

Thứ 2 tuần 15 thường niên A

Hôm nay khi chúng ta đọc qua bài Tin Mừng, thoạt nhìn chúng ta cảm giác thấy Chúa kỳ quá. Chúa mất công từ trên trời xuống thế làm người mà chỉ để mang chiến tranh, gươm giáo, chia rẽ đến cho con người mà Chúa muốn cứu độ họ. Điều này nghe có vẻ nghịch lý và trái với những gì chúng ta đang mong chờ từ một vị cứu tinh từ trời xuống.
Thế nhưng, đó chỉ là cái nhìn bên ngoài. Ở đây Chúa muốn nói với chúng ta về một khía cạnh khác. Đó là khía cạnh về tâm hồn ....

Posted By Unknown19:03